Tám góc chụp cơ bản ai cũng phải biết

“Cách tốt nhất để học nhiếp ảnh là nghiên cứu hội họa và điện ảnh”. Đây luôn là lời khuyên tôi thấm thía nhất khi chập chững bước vào con đường nhiếp ảnh hay nôm na là chụp ảnh.

Qua gần 150 năm lịch sử, các nhà quay phim đã tìm tòi và sáng tạo ra rất nhiều các kỹ thuật quay trong quá trình làm phim. Học hỏi từ những kỹ thuật đó và áp dụng vào nhiếp ảnh, tôi xin giới thiệu đến các bạn “Tám góc chụp cơ bản cho người mới mua máy” được rút ra từ các góc quay trong các tác phẩm điện ảnh. Đây đều là những góc được sử dụng nhiều và chắc không ít bạn sẽ thấy quen quen khi hóa ra phim chiếu rạp cũng đầy những những góc ảnh thế này.

1. Trung cảnh (The Medium Shot)

Bắt đầu với một trong những khung ảnh hay gặp nhất: Ảnh trung cảnh. Chủ thể được chụp từ khoảng đầu gối hay eo đến đỉnh đầu. Khung ảnh được chụp bao gồm một phần hậu cảnh và chủ thể của chúng ta, đủ để người xem có được một cảm nhận ban đầu về nhân vật trong bức ảnh.

 

Đây là tấm ảnh tôi chụp một cô bé bán hàng ở chợ đêm trung thu. Một tấm ảnh trung cảnh không đặc tả vào phần cảm xúc của cô gái mà cung cấp cho người xem một cái nhìn chung về cô gái của chúng ta: cô đang bán hàng ở chợ đêm và cô chủ nhỏ của chúng ta có một vẻ ngoài khá ưa nhìn.

2. Cận cảnh (The Close-up)

Ảnh cận cảnh có 2 loại: cận cảnh rộng – khung hình lấy từ ngực trở lên và cận cảnh hẹp – khung hình lấy được lấy từ cổ trở lên. Bức hình cận cảnh tạo cho người xem một mối liên hệ sâu sắc hơn với chủ thể, người xem có thể cảm nhận được phần nào tính cách của nhân vật thể hiện trên khuôn hình.

 

Trên đây là tấm hình tôi chụp một bé gái khi bắt gặp bé đang chơi cùng người mẹ. Ảnh cận cảnh hẹp cho chúng ta cảm nhận được sự rạng rỡ, vui vẻ cùng một vẻ ngoài hết sức hồn nhiên của bé gái.

 

Vẫn là bé gái ở trên nhưng ở tấm hình này tôi chọn một góc khác rộng hơn một chút. Từng đường nét trên khuôn mặt cùng biểu cảm e thẹn của cô bé được thể hiện rất rõ qua góc chụp cận cảnh rộng thế này.

3. Toàn cảnh (The Long Shot)

Đây là một lựa chọn hoàn hảo khi bạn muốn kể câu chuyện của riêng bạn. Ảnh chụp xa cho phép người xem thấy cả chủ thể và không gian xung quanh nhân vật trong ảnh. Người xem có thể cảm nhận được một phần cuộc sống của nhân vật dựa vào việc xem xét bố cục của bức ảnh.

 

Tôi đang ngồi uống cà phê ở góc ngã ba đường – vị trí cho phép tôi có một tầm quan sát khá rộng. Hình ảnh cô bán hàng đang lững thững dong xe đi được tôi chú ý và chụp lại. Người xem có thể cảm nhận được một phần cuộc sống tuy có phần vất vả – buổi tối muộn vẫn còn loanh quanh với mấy quả dưa, nhưng cũng rất bình dị của cô bán hàng qua tấm ảnh toàn cảnh trên.

4. Góc “Cô Gái Hà Lan” ( Dutch Angle)

Tôi cam đoan rằng các bạn mới cầm máy ảnh ai cũng đã từng thử chụp nghiêng máy và nhận thấy bức ảnh được chụp có một cái gì đó trông “nghệ thuật hơn”. Góc chụp nghiêng hay còn gọi là Dutch Angle, thường được sử dụng khi chúng ta muốn miêu tả tâm lý lo lắng hoặc căng thẳng của chủ thể.

 

Trong hình là bác xe ôm ở phố Tạ Hiện tôi chụp vào một buổi sáng sớm. Tư thế ngồi vắt vẻo kết hợp với Dutch angle làm cho chúng ta cảm thấy sự lo lắng, bồn chồn thể hiện rõ trên bức ảnh.

5. Ảnh góc thấp ( Low angle – worm’s-eye view)

Khi bạn chụp một tấm ảnh ở góc máy thấp, hay còn được gọi là ”’worm’s-eye view”, chủ thể trở nên lớn hơn bình thường. Người chụp đặt ống kính ở dưới nhìn lên sự vật. Góc hất lên cho bạn cảm giác thanh thoát, tôn trọng hoặc là để tạo kịch tính, thêm tầm cao và sức mạnh, tầm ảnh hưởng của nhân vật trong bức ảnh.

Góc thấp - Tám góc chụp cơ bản ai cũng phải biết - 50mm Vietnam

Hình trên được tôi chụp lại từ một cuộc thi chạy phong trào. Góc máy hất từ dưới lên làm cho các vận động viên trông khỏe mạnh hơn, giúp người xem chú ý vào từng bước chạy của những người tham gia.

6. Ảnh góc cao (High angle – Bird’s eyes view)

Đây là góc máy nhìn xuống chủ thể làm người xem cảm giác chủ thể trở nên yếu đuối, nhỏ bé hơn hay hạ thấp tầm quan trọng của nhân vật với con người hoặc sự vật xung quanh. Như đã mô tả ở trên, trong trường hợp bạn muốn chủ thể trông nhỏ lại và yếu đuối hơn, góc cao là một lựa chọn hoàn toàn thích hợp. Và theo cá nhân tôi thấy, các bạn nữ đều trở nên đáng yêu hơn khi được chụp ở góc máy cao.

Tôi rất thích chụp trẻ con từ góc máy trên cao. Bức hình trên tôi chụp trong đám cưới với chủ thể là cháu của tôi. Góc máy từ cao hắt xuống làm cậu bé càng trở nên nhỏ bé, đáng yêu với nụ cười rạng rỡ trong ngày vui của gia đình.

Trong trường hợp đặc biệt, nếu bạn muốn đặc tả một khoảnh khắc tồi tệ sắp xảy đến với chủ thể, hãy thử kết hợp góc máy này với góc “Cô Gái Hà Lan” để có bức ảnh ấn tượng.

 

7. Góc đặc tả (The Extreme Close-up)

Chúng ta lựa chọn góc chụp đặc tả khi muốn nhấn mạnh một chi tiết cụ thể trong khung hình. Các bạn có thể dễ dàng tìm thấy ảnh đặc tả trong một album ảnh cưới với chủ thể là ngón tay đeo nhẫn hoặc trong một bức ảnh chân dung ấn tượng với chủ thể là đôi mắt của nhân vật. Trong một số trường hợp muốn đặc tả chi tiết rõ ràng hơn, bạn có thể cân nhắc sử dụng ống kính macro.

 

Tôi đi bộ quanh hồ Gươm và bắt gặp một nghệ sĩ người Nhật đang ngồi đánh đàn. Hình ảnh ngón tay chai sần đặc trưng do luyện tập của ông thu hút sự chú ý của tôi và tôi quyết định dùng góc chụp đặc tả để ghi lại hình ảnh này.

8. Góc ảnh qua vai (The Over The Shoulder)

Chúng ta lựa chọn góc ảnh qua vai khi muốn lột tả mối quan hệ giữa nhân vật của chúng ta với một sự vật, sự việc khác. Đúng như tên gọi của nó, khi muốn chụp theo góc máy này, bạn cần chọn vị trí đứng chụp đủ gần bên cạnh chủ thể và quan sát sự việc theo góc nhìn của nhân vật trong ảnh.

 

Vẫn là hình ảnh nghệ sĩ guitar người Nhật mà tôi đã giới thiệu ở ví dụ trên. Góc chụp qua vai giúp tôi đủ gần để quan sát được hành động ông chăm chú tìm bản nhạc ưa thích. Khi bấm máy chụp tấm hình này tôi cảm nhận rất rõ sự hào hứng lật nhanh từng trang giấy để nhanh chóng tìm ra bản nhạc, tiếp tục “feeling” với cây đàn.

TAGS :

Video
zalo